Nên xây thế nào cho đẹp?nếu chiều ngang lấn át chiều dài

Nên xây thế nào cho đẹp?nếu chiều ngang lấn át chiều dài

Ở khu vực đô thị tại Việt Nam, nhà ống với chiều ngang hẹp, chiều dài sâu trở thành một đặc trưng. Kiểu nhà này có ưu điểm là không gian được bố trí theo phương dọc, dễ dàng di chuyển từ không gian tiếp khách đến không gian cá nhân. Tuy nhiên, có những ngôi nhà được xây trên lô đất có chiều ngang lấn át chiều dài, điều này gây ra một số khó khăn nhất định cho gia chủ khi thiết kế một ngôi nhà lý tưởng.
Chú trọng vào thiết kế mặt tiền
Những ngôi nhà có chiều ngang lấn át chiều dài thường có mặt tiền rộng từ 6m trở lên. Do có bề ngang lớn như thế nên thiết kế mặt tiền càng cần được chú trọng để loại bỏ cảm giác trống trải. Thiết kế cho nhà có mặt tiền lớn thường nên phản ánh phong cách thiết kế của ngôi nhà. Đây chính là một trong những ưu điểm để ngôi nhà trở nên nổi bật so với những công trình cùng trong khu vực khác.

So với nhà ống, nhà rộng bề ngang nông chiều sâu càng cần được chú trọng về thiết kế mặt tiền

Đối với kiểu mặt tiền này, gia chủ không nên chỉ bố trí một cửa ra vào chiếm gần như toàn bộ diện tích mặt tiền như những kiểu thiết kế của nhà ống. Cửa ra vào nên được đặt ở khu vực trung tâm và các yếu tố thiết kế được bố trí theo trục đối xứng để tận dụng toàn bộ lợi thế mặt tiền. Trong trường hợp cửa chính đặt ở lệch trái hay lệch phải, ngôi nhà nên có thêm cửa phụ để tạo sự cân đối cho diện mạo chung.

Quy tắc đối xứng thường được áp dụng hiệu quả khi thiết kế mặt tiền những ngôi nhà có bề ngang lớn

Nếu cửa ra vào để lệch bên, gia chủ nên yêu cầu KTS thiết kế thêm cửa sổ để tận dụng tầm nhìn và tạo sự cân đối

Phân chia phòng sinh hoạt chung thành các gian nhà
Nhà có chiều ngang vượt trội so với chiều dài nên được bố trí công năng sử dụng theo phương ngang. Tương tự, hành lang đi lại cũng nằm theo phương ngang như hình dạng ngôi nhà. Khi đó, phòng sinh hoạt chung tại tầng một sẽ được phân chia thành 3-5 không gian chức năng khác nhau tùy thuộc vào độ lớn chiều rộng của công trình. Kiểu thiết kế phân chia gian nhà này có điểm tương đồng đối với kiến trúc nhà ở truyền thống của Việt Nam từ thế kỷ XX trở về trước. Những ngôi nhà có bề ngang rộng là kiểu công trình phổ biến với gian chính giữa nhà là phòng tiếp khách và nơi thờ tự. Các gian xung quanh được bố trí lần lượt như bếp, phòng ngủ,…

Ngôi nhà này được phân chia thành ba gian, với một bên là phòng khách một bên là bếp và cầu thang, hai khu vực này được liên kết với nhau bởi phòng ăn

Đối với thiết kế hiện đại, tầng một thường là khu vực sinh hoạt chung với phòng khách, phòng ăn, bếp, nhà vệ sinh. Một số công trình có diện tích lớn còn có thể xây thêm sân vườn. Khi phân chia gian nhà, cần xác định rõ khối chính, khối phụ để có giải pháp tạo điểm nhấn sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, gia chủ nên lưu ý, không nên bố trí các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng trời nằm ở không gian chính.

Đối với ngôi nhà này thì khu vực cầu thang và bàn ăn lại trở thành không gian chính. Gia chủ tận dụng khu vực dưới gầm cầu thang để tạo nên một khu vực ngồi nghỉ bên cửa sổ vô cùng thư giãn

Nhà có mặt tiền rộng có ưu điểm là đón được nhiều ánh sáng. Chính vì thế, nhiều gia chủ tận dụng lợi thế này để xây cầu thang hay mở giếng trời sát cửa

Ngôi nhà được thiết kế thành 3 gian – Bản vẽ mặt bằng

Khi ngôi nhà có chiều rộng lấn át chiều dài, một trong những cách phân chia không gian khéo léo để tránh cảm giác choáng ngợp ngay từ cửa bước vào chính là sử dụng hệ thống cột. Nếu e ngại cột sẽ làm không gian trở nên chật chội, gia chủ có thể thiết kế biến đổi thiết kế trần và sàn nhà theo từng khu vực chức năng để có sự phân chia không gian khéo léo hơn.

Thiết kế cột giúp không gian tầng 1 được phân chia một cách khéo léo giữa phòng khách và bếp

Nhà có chiều ngang lấn át chiều dài tuy có nhiều thách thức khi thiết kế, tuy nhiên vẫn có ưu điểm và giải pháp để có một không gian sống vừa phong cách vừa tiện nghi.

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *